Nữ bác sĩ nặng lòng với đảo xa

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thuy hiện là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị luôn được mọi người yêu mến, kính trọng bởi sự tâm huyết, hết lòng với công việc.

Nói rằng Cô Tô như một “mối duyên” đối với bác sĩ Bùi Thị Thuy cũng không sai, bởi bố mẹ của chị là một trong những người đầu tiên tới đây xây dựng kinh tế mới. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Quảng Ninh, chị về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô khi đó vừa mới thành lập và gắn bó tại đây suốt gần 13 năm trước khi được điều chuyển công tác về huyện Vân Đồn. Đầu năm 2017, chị lại quay về với Cô Tô với một cương vị mới là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện.

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô.

Là người con của Cô Tô, bác sĩ Thuy hiểu rõ những khó khăn đặc thù tại đây khi mọi hoạt động đều phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Nếu gió biển giật trên cấp 5 thì dừng mọi tàu thuyền đi lại. Khi biển động mạnh thì điện ngắt, sẽ có những cuộc phẫu thuật phải dùng máy phát điện để tiến hành… Cùng với đó, khi có bệnh nhân buộc phải chuyển tuyến, chặng đường dài hơn 1 giờ đồng hồ chạy tàu cao tốc từ đảo vào đất liền phần nào ảnh hưởng tới tình trạng người bệnh, đặc biệt là khi thời tiết xấu. Ngoài ra, khi có người bệnh vào đất liền chữa trị thì đương nhiên phải có thêm người nhà cùng đi; trong khi chiếc xuồng cấp cứu duy nhất của trung tâm chỉ đủ chỗ cho 1 chỗ nằm cho người bệnh và 5 ghế cho cả cán bộ y tế đi theo hỗ trợ điều trị và người nhà. Nếu có 2 bệnh nhân thì buộc phải xoay xở để đặt thêm 1 cáng, rất vất vả. Vì vậy, chị luôn tâm niệm phải làm mọi cách nâng cao chất lượng y tế, bà con có niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ, yên tâm chăm sóc sức khỏe tại trung tâm. Từ đó hướng tới giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến nếu chưa phải trường hợp khó.

Với bất kể người bệnh nào tới điều trị tại Trung tâm, bác sĩ Bùi Thị Thuy đều thăm hỏi chu đáo, ân cần.

Quyết tâm của bác sĩ Thuy đang dần trở thành hiện thực. Từ thời điểm chị chuyển công tác về Cô Tô đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã chính thức ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và triển khai thành công bệnh án điện tử. Với sự hỗ trợ thường xuyên của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh về cả con người, chuyển giao kỹ thuật, thiết bị… chất lượng hoạt động của trung tâm ngày càng nâng lên. Người dân huyện đảo được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại chỗ thay vì phải chuyển lên tuyến trên như trước. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, Trung tâm bắt đầu triển khai tốt các kỹ thuật mới, khó như nội soi tiêu hoá, nội soi cổ tử cung, phẫu thuật cắt u nang buồng trứng, điều trị đường ruột ở trẻ em… Kỹ thuật mổ nội soi được tiến hành thường quy. Lượt bệnh nhân đăng ký thăm khám định kỳ tăng, trường hợp phải chuyển tuyến điều trị ngày càng ít dần, công tác y tế được đảm bảo đáp ứng tốt cho cả người dân và lượng du khách rất lớn đến đây mỗi năm…

Do tính chất công việc nên cứ 2-3 tuần chị mới về thăm nhà. Đó là chưa kể tới những lúc thời tiết sóng to gió lớn, hoặc khi Trung tâm tiếp nhận trường hợp cần điều trị gấp… thì chị càng không thể vắng mặt. Còn mỗi lần về nhà cũng chỉ có vỏn vẹn 2 ngày cuối tuần ít ỏi rồi lại phải lên tàu ra đảo. Vì thế nên nhiều lúc, những suy nghĩ về việc chưa thể thật sự trọn vẹn vai trò làm vợ, thiên chức làm mẹ và trách nhiệm làm con… cứ quấn lấy tâm tư.

Bác sĩ Thuy chia sẻ: Nhận công tác tại Cô Tô nghĩa là tôi trở về nơi mình sinh ra, được làm điều mình thích nên đâu có nề hà, ngại khó gì cả. Chỉ có điều, do mình công tác xa gia đình cứ đằng đẵng ngày này qua ngày khác nên mọi việc trong nhà đành giao lại cho ông xã gánh vác hết cả; hai con thì thiếu đi sự chia sẻ, gần gũi mẹ… Gia đình mình hẳn là đã thiệt thòi nhiều. Thế nhưng, nhờ có chồng và các con hết lòng ủng hộ nên tôi yên tâm tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ đề nên xem