Vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì tiêu chỉ? Có thể bạn chưa biết
Cắt rạch và khâu tầng sinh môn là thủ thuật mà hầu hết các chị em sinh thường đều phải trải qua. Chỉ khâu y tế dùng đóng miệng vết thương hoặc vết mổ có nhiều loại, được phân loại dựa trên tính chất tan hay không tan, một sợi hay nhiều sợi. Trong đó, loại chỉ khâu thường được ưa chuộng là chỉ tự tiêu nhờ ưu điểm không cần phải cắt bỏ. Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng vẫn có nhiều người không rõ chỉ tự tiêu bao lâu thì tiêu hết. Bài viết sau đây sẽ giúp các chị em có câu trả lời chính xác xung quanh vấn đề thời gian chỉ khâu tầng sinh môn tiêu hết.
Chỉ tự tiêu là gì?
Chỉ tự tiêu là một loại chỉ khâu y tế được làm bằng vật liệu đặc biệt chính là collagen có trong ruột cừu, ruột bò, protein động vật hoặc polyme tổng hợp. Những thành phần này ở trong chỉ tự tiêu có thể được cơ thể phân hủy và hấp thụ. Nhờ ưu điểm này, người bệnh không cần quay lại phòng khám hay bệnh viện để cắt chỉ.
Các loại chỉ bị phân hủy và mất đi khả năng chịu lực trong vòng 60 ngày được xem là chỉ tan hay chỉ tự tiêu. Khả năng chịu lực của chỉ có thể giảm với các mức độ khác nhau trước khi chỉ bắt đầu phân hủy.
So với những chỉ thông thường khác , chỉ tự tiêu có thời gian duy trì khả năng chịu lực ngắn hơn nhưng ít làm cơ thể phản ứng với ngoại vật hơn, giảm thiểu được khả năng nhiễm trùng hoặc đào thải. Việc chỉ định sử dụng chỉ tự tiêu trong phẫu thuật phụ thuộc vào các yếu tố như:
Thời gian vết thương lành hoàn toàn, không cần lực hỗ trợ nữa. Mức độ phản ứng của vết thương với ngoại vật.
Tuy nhiên, loại chỉ này lại có 1 nhược điểm chính là có thể để lại nhiều sẹo hơn những mũi khâu không tan nên chỉ tự tiêu thường được các bác sĩ sử dụng bên dưới bề mặt da. Một số loại phẫu thuật mà bác sĩ có thể lựa chọn dùng chỉ tự tiêu là: các phẫu thuật liên quan đến miệng (như nhổ răng khôn), phẫu thuật cơ và mô liên kết, ghép da, phẫu thuật vùng bụng (kể cả sinh mổ), phẫu thuật vùng phụ khoa hay khâu tầng sinh môn do sinh nở.
Tầng sinh môn là gì?
Tầng sinh môn là phần mô nằm giữa âm đạo và hậu môn, tầng sinh môn có chiều dài khoảng 3 – 5cm. Mặc dù trước lúc sinh, âm đạo của chị em phụ nữ sẽ tự động giãn ra theo cấu tạo sinh lý bình thường.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, để tránh em bé bị ngạt và giúp quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng, thuận lợi, các bác sĩ chuyên khoa sẽ rạch một đường nhỏ tầng sinh môn của chị em và sẽ khâu lại bằng chỉ tự tiêu thẩm mỹ.
Tại sao phụ nữ có vết khâu tầng sinh môn?
Theo các bác sĩ chuyên Sản khoa, có tới 90% các chị em phải tiến hành thủ thuật cắt rạch và khâu tầng sinh môn, sau khi sinh thường hoặc là do nhu cầu làm đẹp lại tầng sinh môn. Việc khâu tầng sinh môn sẽ giúp âm đạo các chị em không còn bị giãn rộng, tự tin hơn trong các cuộc “yêu” và đặc biệt là hạn chế sự tấn công xâm nhập viêm nhiễm từ vi khuẩn bên ngoài.
Việc khâu tầng sinh môn thường do bác sĩ hoặc y tá tiến hành, mục đích là để nối liền giữa âm đạo và hậu môn. Khi các chị em sinh con, nếu như thai nhi quá to hoặc tầng sinh môn quá dày thì bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ giữa âm đạo và hậu môn để việc sinh em bé có thể dễ dàng hơn tránh những biến chứng do ngạt, sang chấn sản khoa… Cũng có nhiều chị em do tuổi tác, quá trình sinh nở nhiều lần nên “vùng kín” không còn kín như trước nữa mà trở nên giãn rộng, mất tính đàn hồi và nhăn nheo nên đã tiến hành thủ thuật này.
Khâu tầng sinh môn còn có tác dụng đặc biệt với sức khỏe. Bởi khi tiến hành rạch tầng sinh môn, vết rách có thể ảnh hưởng đến các nút thớ ở phần đáy chậu, khiến tầng sinh môn bị nhão, chảy xệ sau này. Về lâu dài, tầng sinh môn sẽ không thể co lại như bình thường, do đó dễ dẫn đến nguy cơ sa tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang.
Khâu tầng sinh môn như thế nào?
Khâu tầng sinh môn là một thủ thuật khá phổ biến, đơn giản và nhẹ nhàng. Thời gian diễn ra thủ thuật này kéo dài chỉ khoảng 15 phút. Tuy nhiên, vết khâu lành nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào vết rạch cũng như tay nghề của người khâu. Chỉ được dùng để khâu tầng sinh môn chủ yếu là chỉ tự tiêu, tức là sau thời gian nhất định nó sẽ tự tiêu mất chứ không cần phải cắt chỉ.
Khi bắt đầu tiến hành khâu tầng sinh môn thì các mẹ sẽ được tiêm thuốc tê nên lúc này các mẹ sẽ không có cảm giác đau nhé. Sau đó khi thuốc hết tác dụng thì các mẹ sẽ có cảm giác đau và đau nhất là khi đi vệ sinh. Tuy nhiên cảm giác đau này sẽ qua nhanh thôi nên các mẹ đừng quá lo lắng.
Nhưng cần cẩn trọng nếu sau đó mà các mẹ cảm thấy đau liên tục kéo dài thì có thể vết khâu khâu quá chặt hoặc đã bị nhiễm trùng. Hãy đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu bạn gặp tình trạng này nhé. Không nên tự ý mua các loại thuốc bôi hoặc giảm đau về nhà tự điều trị hoặc áp dụng các kinh nghiêm dân gian, việc này có thể đem lại nguy hiểm cho các mẹ đấy.
Vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì tiêu chỉ?
Khi thực hiện thủ thuật khâu tầng sinh môn, các bác sĩ sẽ dùng chỉ tự tiêu khâu tầng sinh môn. Vậy nên, sau một khoảng thời gian chỉ sẽ tự biến mất mà không cần phải đi cắt chỉ hoặc tháo chỉ. Thế nhưng, sau khoảng thời gian là bao lâu thì chỉ khâu tầng sinh môn sẽ hết? Đây là câu hỏi cũng như là thắc mắc của đại đa số chị em.
Để giải đáp thắc mắc cho các chị em, theo các bác sĩ thì: “Khâu tầng sinh môn là một thủ thuật đơn giản, thông thường kéo dài khoảng 15 – 20 phút. Thời gian khâu cũng phụ thuộc vào độ sâu và rộng của vết rạch cũng như tay nghề của bác sĩ. Vết khâu tầng sinh môn sẽ lành sau 2 – 3 tuần, và đến 1 tháng là có thể lành hẳn. Tùy thuộc vào cơ địa của bệnh nhân và loại chỉ khâu thời gian lành có thể thay đổi”.
Như vậy chỉ khâu tầng sinh môn cụ thể sau bao lâu thì tiêu còn tùy thuộc vào cơ địa và tùy thuộc vào vết rạch tầng sinh môn của mỗi bệnh nhân. Các vết rạch cần có thời gian hồi phục và lành lại. Trong quá trình đợi vết khâu lành thì có khoảng trên 70% các chị em sẽ cảm thấy bứt rứt, đau nhẹ, nhưng sau khoảng 3 tuần cảm giác này sẽ hết. Điều cần lưu ý là chị em cần phải chăm sóc, giữ gìn cho vùng khâu được sạch sẽ và không bị nhiễm trùng.
Một số lưu ý khi chăm sóc cho vết khâu tầng sinh môn
Cách vệ sinh sau khi khâu tầng sinh môn
Điều quan trọng sau khi tiến hành thủ thuật khâu tầng sinh môn là các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến việc vệ sinh vết khâu tránh nhiễm trùng. Việc vệ sinh tầng sinh môn đúng cách cũng sẽ giúp bạn làm nhanh lành vết khâu cũng như thời gian chỉ tự tiêu khâu tầng sinh môn ngắn hơn. Một số cách giúp bạn vệ sinh tầng sinh được hiệu quả hơn có thể kể đến như:
-
Việc vệ sinh cần sử dụng hoàn toàn là nước ấm. Bạn có thể dùng nước ấm để rửa trong tư thế đứng, một chân gác lên cao tránh gập người, ngồi xổm hoặc cúi thấp gây đau. Việc rửa tầng sinh môn bằng nước ấm khi đứng sẽ giúp bạn đỡ đau hơn, dễ chịu hơn.
- Sau khi khâu tầng sinh môn, việc đi vệ sinh cần đặc biệt cẩn thận vì đây là lúc vết thương của bạn dễ bị nhiễm trùng nhất. Chính vì vậy, bạn cần nhẹ nhàng, dội nước ấm từ từ hoặc lau vết thương bằng khăn sạch, mềm mại. Tuyệt đối không nên dùng các loại khăn cứng khi lau dễ gây trầy xước vết khâu.
- Bên cạnh việc giữ vệ sinh thì vấn đề thông thoáng, khô ráo cho vết khâu cũng rất quan trọng. Bạn nên thay băng vệ sinh 4 giờ/lần, vệ sinh 3 lần/ ngày.
- Việc vệ sinh bạn phải tuyệt đối cản thận, nhẹ nhàng, không nên chà sát mạnh lên vết thương, không sử dụng máy sấy tóc để sấy khô vùng kín.
- Không nên tự ý sử dụng các loại nước vệ sinh vùng kín để chăm sóc vết khâu tầng sinh môn.
Một số lưu ý khi chăm sóc tầng sinh môn
- Cần tuân thủ tuyệt đối theo sự chỉ dẫn của bác sĩ kèm với uống thuốc đều đặn.
- Bạn nên lựa chọn mặc những chiếc quần lót bằng chất liệu cotton mỏng, thông thoáng. Hoặc bạn cũng có thể chọn những chiếc quần lót dùng 1 lần để tránh cọ xát vào vết thương.
-
Nên ăn nhiều các loại hoa quả để bổ sung thêm chất xơ, uống nhiều nước để tránh tình trạng táo bón.
- Khoảng thời gian đầu sau khi khâu tầng sinh môn các mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt, nhưng không nên vì thế mà chị em không vận động. Thậm chí, việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp máu dễ lưu thông cũng khiến cho vết khâu nhanh lành hơn.
- Hàng ngày các mẹ nhớ kiểm tra xem vết thương của mình có bị đỏ hay sưng không, có sản dịch hay không, sản dịch có mùi hôi hay không? Nếu sản dịch có mùi hôi tức là vết thương đã bị nhiễm trùng.
-
Trong thời gian tầng sinh môn chưa lành bạn tốt nhất nên kiêng quan hệ vợ chồng. Tốt nhất nên kiêng khoảng 1 tháng đến khi vết thương lành trở lại.
- Nếu trong trường hợp xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đến ngay phòng khám bệnh viện uy tín để kiểm tra, không nên tự ý chữa ở nhà.
Một số câu hỏi mà các chị em hay thắc mắc
Phải làm gì nếu thấy đường khâu bị lệch hoặc lỏng?
Nhiều trường hợp trong khoảng thời gian đợi lành vết khâu thì chỉ bị bong ra khỏi da do đường khâu lệch, lỏng. Nhưng khoan hãy lo, trừ trường hợp vết thương hở, đang chảy máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng thì việc chỉ khâu lộ ra không phải là tình trạng đáng báo động.
Chỉ trên những mũi khâu này sẽ tự rụng theo thời gian. Bạn không nên cố thử cắt hoặc kéo chỉ khâu ra vì có thể vết thương vẫn chưa lành hẳn. Tốt nhất là hãy kiên nhẫn để quá trình lành vết thương diễn ra bình thường, tự nhiên, không bị tác động vật lý từ bên ngoài. Nếu cần thì hãy tham vấn thêm ý kiến bác sĩ để biết khi nào cần chủ động cắt vết chỉ khâu.
Khâu chỉ tự tiêu thì tắm vòi hoa sen có an toàn không?
Sau khi hoàn thành khâu lại tầng sinh môn, các mẹ nhớ tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ khi chăm sóc mũi khâu có chỉ tự tiêu. Với phần lớn các trường hợp, sau khi khâu khoảng 1 ngày là người bệnh có thể tắm vòi hoa sen như bình thường và không cần quá lo lắng về áp lực nước từ vòi. Nhưng cũng không nên chủ quan, không nên tắm quá lâu hoặc nên tránh ngâm mình trong bồn tắm trong một khoảng thời gian nhất định.
Có nên tự tháo chỉ hay không?
Bạn tuyệt đối không nên tự loại bỏ bất kỳ mũi khâu nào mà không được sự cho phép từ bác sĩ điều trị. Nếu như bình thường thì phần lớn người bệnh không cần phải tự tháo chỉ tan vì chúng sẽ tự phân hủy và được cơ thể hấp thụ.
Nếu có trường hợp nào cần phải tháo chỉ khâu, bạn hãy liên hệ với bác sĩ và làm theo hướng dẫn của bác sĩ thật cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Dùng chỉ tự tiêu có biến chứng gì không?
Thủ thuật khâu tầng sinh môn vô cùng đơn giản nên nếu có biến chứng thì có thể xảy ra nhất do khâu chỉ tự tiêu là nhiễm trùng vết mổ. Tuy nhiên, các mẹ vẫn có thể chủ động ngăn chặn bằng cách giữ gìn cho vết khâu sạch sẽ, khô ráo hoặc sử dụng thuốc mỡ kháng khuẩn theo khuyến cáo của bác sĩ.
Nếu các mẹ có gặp dấu hiệu nào dưới đây thì hãy ngay lập tức liên hệ với bác sĩ để nhận được tư vấn rõ nhất nhé:
- Vùng da xung quanh vết khâu tầng sinh môn bị sưng, đỏ hoặc có cảm giác ấm nóng.
- Mức độ đau tăng dần, lan ra từ vùng vết mổ.
- Vết mổ có mùi khó chịu hoặc có dịch tiết ra.
- Sốt.
- Sưng hạch.
- Có cảm giác cơ thể không khỏe.
Mong với những chia sẻ trên là hữu ích đối với các bạn đọc và phần nào giải đáp được vấn đề sau bao lâu vết khâu tầng sinh môn tiêu chỉ. Hầu hết khi sinh thường thì các mẹ đều phải trải qua vấn đề này. Nhưng hãy yên tâm vì vết đau ở tầng sinh môn thực ra rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng gấp nhiều lần so với vết mổ nếu như các mẹ phải sinh mổ. Vì vậy nếu như sợ phải rạch tầng sinh môn mà muốn sinh mổ khi mình vẫn có thể sinh thường là một sai lầm đấy nhé. Nếu vết mổ có vấn đề do nhiễm trùng, đứt chỉ tự tiêu hay bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng thì bạn hãy đến cơ sở y tế để được giải quyết nhanh và an toàn nhất nhé.